Mới sáng sớm, vừa thức giấc, chị Nguyễn Thị Lan ở xã Tân Trung (huyện Tân Yên) nhận được một cuộc gọi. Đầu dây bên kia, nói: “Sáng nay, đội xe tình nguyện cần một số anh em chở hàng hỗ trợ lên huyện Sơn Động, chị thu xếp đi cùng với anh em”. Chị Lan vội ăn sáng, rồi khởi động chiếc xe tải tiến thẳng về Nhà văn hóa Thiếu nhi tỉnh Bắc Giang (nơi tiếp nhận hàng hóa hỗ trợ chống dịch của Tỉnh Đoàn Bắc Giang). Chiếc xe tải Hyundai 1.5 tấn của chị chất đầy gạo, mỳ tôm, trứng, khẩu trang. Hàng đầy xe, chị nổ máy bắt đầu hành trình đến với huyện miền núi xa xôi nhất của tỉnh Bắc Giang.
Nhá nhem tối hôm ấy, chị Lan cùng với anh em trong đội xe tình nguyện về đến “đại bản doanh của đội” ở Nhà văn hóa Thiếu nhi tỉnh Bắc Giang. Phóng viên Tiền Phong lại gần bắt chuyện, áo chị ướt đẫm mồ hôi, chị nhỏ nhẹ kể: Chị vừa sang tuổi 41, gia đình làm nghề buôn bán hải sản tươi sống ở huyện Tân Yên. Ba năm trước, chị tậu chiếc xe tải phục vụ công việc làm ăn, rồi chị trở thành tài xế cho gia đình. Hằng ngày, chị lái xe đi mua và giao hàng. Cũng trong thời gian này, chị tham gia đội xe tình nguyện hỗ trợ Tỉnh Đoàn Bắc Giang làm công tác thiện nguyện.
Chị Lan cho biết thêm, khi dịch COVID - 19 bùng phát ở Bắc Giang, chị xung phong tham gia đội xe tình nguyện để vận chuyển hàng hóa, vật tư y tế đến các địa phương trong tỉnh. Khi Tỉnh Đoàn Bắc Giang cần xe, chị đến Nhà văn hóa Thiếu nhi tỉnh để chở lương thực, thực phẩm, khẩu trang, quần áo bảo hộ đến khu cách ly, vùng phong tỏa hoặc bệnh viện dã chiến ở các huyện trong tỉnh Bắc Giang. “Nhiều lúc, đi đến các huyện xa, thân gái lái xe dặm trường cũng thấy mệt. Nhưng nghĩ đến việc muốn góp công sức nhỏ cùng với anh em trong đội để chung tay chống dịch, tôi lại quên hết vất vả. Tôi cảm thấy may mắn khi mình không bị mắc COVID - 19, còn khỏe mạnh để được làm việc tình nguyện này”, chị Lan tâm sự.
Chị Lan chia sẻ, khi chị quyết định tham gia tình nguyện vận chuyển hàng hóa hỗ trợ, chị được chồng và các con ủng hộ, động viên. Mọi việc ở nhà, từ buôn bán đến việc gia đình, chồng và các con lo hết. Bởi vậy, chị yên tâm thực hiện công việc. Hơn một tháng qua, chị mải miết với các chuyến đi đưa hàng hóa hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân đến các địa phương trong tỉnh. “Tiền xăng dầu, chi phí trên đường đều do chúng tôi tự nguyện bỏ ra, với mong muốn góp sức để nhanh chóng dập dịch. Đến nay, tôi tự chi trả khoảng 8 triệu đồng tiền xăng dầu”, chị Lan cho hay.
Ðồng bào đau cũng giống như mình đau
Đêm đã khuya, anh Nguyễn Trọng Long ở xã Quang Châu (huyện Việt Yên) vẫn rong ruổi trên chiếc xe tải của mình trên các cung đường của tỉnh Quảng Ninh để chuyển hàng hóa hỗ trợ về tỉnh Bắc Giang. Xe về đến trung tâm thành phố Bắc Giang, anh ngó đồng hồ đã gần 2 giờ đêm, đường phố vắng lặng. Bốc hàng vào điểm tập kết xong, anh về nhà tắm rửa, rồi ngả lưng một chút. Sáng sớm hôm sau, anh lại đánh xe lên đường làm công việc tình nguyện.
Anh Long cho hay, công việc của anh do nhóm trưởng điều hành. Khi nào cần xe chở hàng hóa ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân, anh nhận lệnh là lên đường, không nề hà bất cứ việc gì. Chuyến đi xa nhất là anh đến tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận hàng ủng hộ chống dịch chở về Bắc Giang. Công việc tình nguyện phải đến các vùng có nguy cơ lây nhiễm COVID - 19 cao như vùng phong tỏa, cách ly… nên anh phải ở riêng một phòng, tránh xa vợ con.
Anh Long chia sẻ, trong quá trình làm việc, anh có nhiều kỉ niệm xúc động. Một lần, anh chở lương thực, thực phẩm cho công nhân ở khu phong tỏa tại huyện Việt Yên. Anh thấy người dân chia sẻ nhau từng bìa đậu, mớ rau cho công nhân ở trọ. Khi nghe một nữ công nhân có con nhỏ đang ở phòng trọ bị phong tỏa lúc nhận được rau từ tay anh nói rằng, chỉ mong sớm về với con, với gia đình khiến anh không kìm được nước mắt. “Nhìn bà con, công nhân phải vất vả ở vùng phong tỏa, tôi cảm thấy xót lắm. Họ là đồng bào của mình, họ đau cũng giống như mình đau. Tôi xác định khi nào hết dịch mới thôi việc chở hàng”, anh Long bùi ngùi.
Tác giả bài viết: Hyundai Đông Nam
Nguồn tin: https://tienphong.vn
Những tin mới hơn